3,6 triệu người Việt Nam mắc chứng trầm cảm
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính năm 2015 Việt Nam có khoảng…
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính năm 2015 Việt Nam có khoảng 3,6 triệu người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số.
Sáng 7-4, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức mittinh hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới với chủ đề “Hãy cùng trò chuyện để phòng chống bệnh trầm cảm” tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.Nghiên cứu cho thấy trên 50% số ca tự tử có rối loạn trầm cảm. Trên thế giới mỗi năm có gần 800.000 người chết vì tự tử và đây là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở độ tuổi từ 15 – 29. Phần lớn bệnh nhân tự tử do cảm thấy vô dụng, tội lỗi, không đáng sống. Và đa số bệnh nhân trầm cảm có khuynh hướng trở thành mãn tính, tái diễn.
Theo kết quả nghiên cứu, trầm cảm gây ra bởi nhiều yếu tố xã hội, tâm lý và sinh học, thường xảy ra ở những người bị stress sau khi gặp phải các vấn đề khó khăn trong cuộc sống như mất người thân, đổ vỡ quan hệ, khủng hoảng tinh thần… hoặc mắc một số bệnh nan y.Các chuyên gia khuyến cáo: ngay khi phát hiện những biểu hiện tâm lý không tốt, hãy trò chuyện và chia sẻ với mọi người, đây cũng là cách đơn giản nhất để đề phòng và điều trị trầm cảm.
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật, làm cho hàng triệu người giảm hoặc mất sức lao động tại Việt Nam.
Tình trạng trầm cảm xảy ra ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới. Trong đó có ba nhóm tuổi tỉ lệ mắc trầm cảm cao hơn là học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước và sau sinh, người cao tuổi.
Người bị trầm cảm thường có biểu hiện buồn chán kéo dài, mệt mỏi, không còn thích thú với các hoạt động thường thích làm, không có khả năng thực hiện công việc hằng ngày, thời gian kéo dài từ hai tuần trở lên.