Đặc điểm của lao động giúp việc gia đình
Lao động giúp việc gia đình cũng như các đối tượng lao động khác, đều…
Mục lục nội dung
- Thứ nhất về giới tính và độ tuổi của LĐGVGĐ.
- Thứ hai về hoàn cảnh gia đình của lao động giúp việc gia đình.
- Thứ ba về trình độ của lao động giúp việc gia đình – Về trình độ học vấn:
- Thứ tư phương thức tìm kiếm việc làm của lao động giúp việc gia đình.
Lao động giúp việc gia đình cũng như các đối tượng lao động khác, đều có những đặc điểm cơ bản riêng của mình. Nhờ có những đặc điểm này, giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan và toàn diện hơn về LĐGVGĐ.
Thứ nhất về giới tính và độ tuổi của LĐGVGĐ.– Về giới tính:
Theo thống kê của ILO tính đến thời điểm 2010, toàn cầu có khoảng 52,6 triệu Lao động giúp việc gia đình, thì nữ giới chiếm đến 83% so với nam giới. Bởi lẽ, trong xã hội từ xa xưa đã có quan niệm cho rằng công việc nội trợ, chăm sóc và quán xuyến trong gia đình luôn là công việc do người phụ nữ đảm trách, còn đàn ông chỉ có trách nhiệm kiếm sống để nuôi gia đình. Tuy đây là định kiến về giới mà xã hội đã gán ghép cho người phụ nữ, nhưng nếu xét theo phương diện về phân công lao động tự nhiên theo giới thì đây là điều hoàn toàn hợp lý. Cho nên, có thể thấy Lao động giúp việc gia đình chủ yếu là phụ nữ chiếm đa số.
– Về độ tuổi:
Dựa trên kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới năm 2011 thì được phân chia như sau:
- Lao động giúp việc gia đình ở độ tuổi 35 trở xuống chiếm 23,8%.
- Lao động giúp việc gia đình ở độ tuổi từ 36 đến 55 chiếm 61,5%.
- Lao động giúp việc gia đình ở độ tuổi 56 trở lên chiếm 14,8% [13].
Qua số liệu của kết quả điều tra cho thấy, nhóm độ tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Bởi vì, lao động giúp việc gia đình ở độ tuổi này đa phần đã có gia đình ổn định và con cái đã lớn. Nhờ đó giúp họ có thời gian và an tâm hơn để làm việc, tạo nguồn thu nhập thêm cho gia đình. Bên cạnh đó, ở độ tuổi này họ có phần ưu thế hơn các lao động giúp việc gia đình ở độ tuổi khác. Bởi vì, so với LĐGVGĐ ở độ tuổi 35 trở xuống thì họ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc quán xuyến và chăm sóc gia đình. Còn lao động giúp việc gia đình ở độ tuổi 56 trở lên thì đã lớn tuổi, nên sức khỏe kém và chậm chạp hơn trong công việc so với lao động giúp việc gia đình tuổi từ 36 đến 55. Do đó, lao động giúp việc gia đình ở độ tuổi từ 36 đến 55 luôn là lựa chọn tốt nhất của các hộ gia đình khi có nhu cầu thuê lao động giúp việc gia đình.
Thứ hai về hoàn cảnh gia đình của lao động giúp việc gia đình.– Lý do đi lao động giúp việc gia đình:
Theo kết quả nghiên cứu “Việc làm bền vững đối với lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam”, ILO, 2011, trước khi tham gia vào thị trường lao động giúp việc gia đình, phần lớn người lao động làm nông nghiệp hoặc các nghề nghiệp tự do (như phụ xây, buôn bán,…) ở địa phương. Theo nhận định của người lao động, so với các gia đình xung quanh ở địa phương, 47,3% người có mức sống của gia đình thuộc mức nghèo; 50,4% người có mức sống gia đình trung bình. Có 65,7% người lao động đi làm lao động giúp việc gia đình vì lý do muốn có thêm thu nhập cho cuộc sống bản thân và gia đình. Một số lý do khác được đưa ra là thấy bản thân phù hợp với nghề giúp việc gia đình (9%), không tìm được việc làm khác (5,7%), không biết làm nghề nào khác (5,7%), muốn thoát ly nghề nông (5,7%),… Tổng quan cho thấy, lao động giúp việc gia đình đa số đến từ nông thôn, có cuộc sống khó khăn, đến với nghề với mong muốn cải thiện cuộc sống.
– Tình trạng hôn nhân:
Theo kết quả nghiên cứu “Việc làm bền vững đối với lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam”, ILO, 2011 cho thấy lao động giúp việc gia đình có tỷ lệ “ở góa, ly hôn và ly thân” khá cao (20,7%), và họ ít ràng buộc trong cuộc sống gia đình hơn nên thường lựa chọn sống cùng gia chủ. Những người đang có vợ hoặc chồng thường lựa chọn hình thức làm việc theo giờ để thuận tiện hơn trong việc vừa làm việc vừa chăm lo cho cuộc sống gia đình.
Thứ ba về trình độ của lao động giúp việc gia đình – Về trình độ học vấn:Theo số liệu điều tra của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 cho thấy:
- Lao động giúp việc gia đình có trình độ dưới tiểu học chiếm 22%.
- Lao động giúp việc gia đình có trình độ tiểu học và trung học cơ sở chiếm 62,6%.
- Lao động giúp việc gia đình có trình độ trên trung học cơ sở chiếm 15,4%.
Nhìn chung, trình độ học vấn của lao động giúp việc gia đình chưa cao, đa số đều có trình độ học vấn từ trung học cơ sở trở xuống. Cho nên, họ ít có cơ hội tìm kiếm và lựa chọn các công việc tốt hơn so với so với các lao động có trình độ cao hơn. Do có trình độ học vấn thấp và tầm hiểu biết còn hạn chế, nên họ thường là đối tượng lao động có nguy cơ cao bị ngược đãi, quấy rối tình dục và cưỡng bức lao động…
Trong những năm gần đây, có xuất hiện một số lao động giúp việc gia đình có trình độ cao hơn như các sinh viên đi làm kiếm thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Cá biệt hơn cả, có những người có trình độ học vấn đại học và thạc sỹ đi làm nghề giúp việc gia đình, vì không kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
– Về trình độ nghề của lao động giúp việc gia đình:
Đa số lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam chưa qua đào tạo nghề. Trong đó, chỉ có một số ít lao động giúp việc gia đình được qua lớp đào tại nghề để đi xuất khẩu lao động hoặc làm cho những gia đình nước ngoài tại Việt Nam. Nguyên nhân xuất phát từ hai phía:
- Về phía lao động giúp việc gia đình: do hầu như không hề biết về những khóa đào tạo này trước khi hành nghề. Vì đa số lao động giúp việc gia đình đều đến từ nông thôn, trình độ hiểu biết còn hạn chế, nên cũng ít quan tâm tìm hiểu để theo học khóa đào tạo nghề này.
- Về phía người sử dụng lao động giúp việc gia đình thì cũng không quan tâm đến việc lao động giúp việc gia đình đã được đào tạo nghề hay chưa. Điều họ quan tâm nhất là sự thật thà của lao động giúp việc gia đình, nhằm tránh tình trạng bị mất tài sản do lao động gây ra. Còn về công việc chỉ đòi hỏi sự siêng năng, nếu chưa quên sẽ hướng dẫn sau.
Lao động giúp việc gia đình chưa qua đào tạo nghề sẽ thiếu tính chuyên nghiệp, cụ thể như: một số người thì không biết nấu ăn; số khác dù được người sử dụng lao động hướng dẫn sử dụng các thiết bị máy móc tiện ích trong gia đình như: máy giặt, máy lạnh, máy hút bụi, lò vi sóng, bàn ủi hơi nước…, nhưng vẫn không biết cách sử dụng, thậm chí làm hư hỏng các tài sản đó; Lao động giúp việc gia đình không biết cách xử lý khi bị ngược đãi, quấy rối tình dục và cưỡng bức lao động…
Thứ tư phương thức tìm kiếm việc làm của lao động giúp việc gia đình.Dựa trên kết quả điều tra tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của GFCD năm 2012 cho thấy:
- Lao động tìm việc qua họ hàng, người quen chiếm 68,9 %.
- Lao động tìm việc qua trung tâm dịch vụ việc làm chiếm 6,2%.
- Lao động tìm việc qua người môi giới chiếm 2,7%.
- Lao động tìm việc qua bạn bè cùng làm việc chiếm 11,1%.
- Lao động tự tìm việc chiếm 10,3%.
Qua đó cho thấy, kênh tìm việc làm của đa số lao động chủ yếu thông qua họ hàng, người quen, tỷ lệ lao động tìm việc qua trung tâm dịch vụ việc làm là rất thấp.
Bên cạnh đó, trong mối quan hệ lao động này, cá nhân của người sử dụng lao động giúp việc gia đình luôn đòi hỏi sự tin tưởng cao đối với lao động. Bởi lẽ, người sử dụng lao động luôn lo sợ tình trạng bị mất tài sản do lao động gây ra. Cho nên, lựa chọn lao động giúp việc gia đình thông qua họ hàng và người quen sẽ giúp họ an tâm hơn.
Trích: Luận văn thạc sĩ mã số 60 38 01 07, chuyên ngành Luật, tác giả Nguyễn Chung Phước Lưu. Đề tài Lao động giúp việc gia đình theo pháp luật Việt Nam từ thực tiễn TP. Hồ Chí Minh