Giải thích các chỉ số ô nhiễm không khí
timtho.vn 01/09/2022 05:20

Giải thích các chỉ số ô nhiễm không khí

AQI (Air Quality Index) Chỉ số chất lượng không khí AQI là chỉ số đại…

Mục lục nội dung

  • AQI (Air Quality Index)
  • PM2.5/ PM10
  • Khí NOx (các oxit nitơ):
  • Khí CO (cacbonoxit):
  • Nhiễm độc khí SO2 (lưu huỳnh dioxit):
  • Khí O3 (ozon)
AQI (Air Quality Index)

Chỉ số chất lượng không khí AQI là chỉ số đại diện cho nồng độ của một nhóm các chất ô nhiễm gồm CO, NOx, SO2, O3 và bụi, nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

  • O3 trung bình 1h và 8h
  • CO trung bình 1h và 8h
  • SO2 trung bình 1h và 24h
  • NO2 trung bình 1h và 24h
  • TSP, PM-10, PM-2,5 trung bình 1h và 24h
PM2.5/ PM10

PM trong PM2.5 hay PM10 là viết tắt của Particulate matter, có nghĩa là chất dạng hạt.

PM2.5 hay PM10 là những chỉ số về chất lượng không khí, chỉ kích thước và mật độ những hạt trôi nổi trong không khí.

Bụi PM2.5 là các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm (micromet).

Bụi PM10 là các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 µm (micromet).

Hạt trôi nổi (Particulate) là khái niệm dùng để chỉ những hạt dạng lỏng hoặc rắn rất nhỏ trôi nổi trong không khí. Các hạt này có thể do nhiều chất khác nhau tạo nên, như cacbon, sulfua, khí nitơ, và các hợp chất kim loại, v.v… Đối với các nhà khoa học môi trường, các hạt trôi nổi này nhằm chỉ những chất ô nhiễm rất nhỏ trong không khí, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí.

  • Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những hạt có đường kính bé hơn 10 micromet là những hạt có thể bị con người hít vào khi thở, chúng sẽ tích tụ trên phổi, gây ra nguy hại cho sức khỏe con người. Những hạt có đường kính bé hơn 2,5 micromet là những hạt đặc biệt nguy hiểm bởi vì chúng xâm nhập trực tiếp vào các túi phổi.
  • Vì vậy, các nhà khoa học dùng chỉ số PM 2.5 để biểu thị hàm lượng tiêu chuẩn của các hạt trôi nổi trong một mét khối không khí. Chỉ số này càng cao cũng có nghĩa là sự ô nhiễm không khí ở nơi đó càng nghiêm trọng.

Chỉ số PM2.5 là mật độ số hạt PM2.5 có trong 1 mét khối không khí, mức tiêu chuẩn và an toàn là 10, tức là 10 hạt trong 1 mét khối không khí, chỉ số này càng lên cao thì mức độ ô nhiễm không khí càng nguy hiểm.

Khí NOx (các oxit nitơ):

– Tác hại: Oxit nitơ có nhiều dạng, do nitơ có 5 hoá trị từ 1 đến 5. Do ôxy hoá không hoàn toàn nên nhiều dạng oxit nitơ có hoá trị khác nhau hay đi cùng nhau, được gọi chung là NOx. Có độc tính cao nhất là NO2, khi chỉ tiếp xúc trong vài phút với nồng độ NO2 trong không khí 5 phần triệu đã có thể gây ảnh hưởng xấu đến phổi, tiếp xúc vài giờ với không khí có nồng độ NO2 khoảng 15-20 phần triệu có thể gây nguy hiểm cho phổi, tim, gan; nồng độ NO2 trong không khí 1% có thể gây tử vong trong vài phút.

NOx bị ôxy hoá dưới ánh sáng mặt trời có thể tạo khí Ôzôn gây chảy nước mắt và mẩn ngứa da, NOx cũng góp phần gây bệnh hen, thậm chí ung thư phổi, làm hỏng khí quản.

– Nguồn phát sinh: Khí NOx xuất hiện trong quá trình đốt cháy nguyên liệu trong các động cơ đốt trong (khí xả của phương tiện giao thông…), trong công nghiệp sản xuất axít HNO3, quá trình hàn điện và quá trình phân huỷ nhựa celluloid.

Khí CO (cacbonoxit):

– Tác hại: Khi hít phải, CO sẽ đi vào máu, chúng phản ứng với Hemoglobin (có trong hồng cầu) thành một cấu trúc bền vững nhưng không có khả năng tải ôxy, khiến cho cơ thể bị ngạt. Nếu lượng CO hít phải lớn, sẽ có cảm giác đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi. Nếu CO nhiều, có thể bất tỉnh hoặc chết ngạt rất nhanh. Khi bị ôxy hoá, CO biến thành khí cacbonic (CO2). Khí CO2 cũng gây ngạt nhưng không độc bằng CO.

– Nguồn phát sinh: Khí CO hình thành ở những nơi đốt than thiếu ôxy, như từ khói thải của lò gạch nơi mà than cháy không triệt để, ống khói nhà máy nhiệt điện dùng than đá, các nồi nấu nhựa đường, khí xả động cơ hay bếp than tổ ong…

Nhiễm độc khí SO2 (lưu huỳnh dioxit):

– Tác hại: Khí SO2 xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc hoà tan với nước bọt, từ đó qua đường tiêu hoá để ngấm vào máu. SO2 có thể kết hợp với các hạt nước nhỏ hoặc bụi ẩm để tạo thành các hạt axít H2SO4 nhỏ li ti, xâm nhập qua phổi vào hệ thống bạch huyết. Trong máu, SO2 tham gia nhiều phản ứng hoá học để làm giảm dự trữ kiềm trong máu gây rối loạn chuyển hoá đường và protêin, gây thiếu vitamin B và C, tạo ra methemoglobine để chuyển Fe2+ (hoà tan) thành Fe3+(kết tủa) gây tắc nghẽn mạch máu cũng như làm giảm khả năng vận chuyển ôxy của hồng cầu, gây co hẹp dây thanh quản, khó thở.

– Nguồn phát sinh: SO2 phát sinh khi đốt mọi thứ nguyên liệu hàng ngày (than đá, khí, gỗ và các chất hữu cơ khác như phân khô, rơm rác…). Khi nồng độ SO2 đạt đến 5 phần triệu thì các hội chứng bệnh lý ở người tiếp xúc bắt đầu xuất hiện.

Khí O3 (ozon)

– Đối với con người chúng làm cay mắt và đau nhói mắt, gây ho, đau đầu, cảm thấy mệt mỏi, bải hoải, bệnh về phổi như xuất huyết, phù nề, khô cổ họng và làm hẹp đường khí và già hóa màng phổi. O3 là sản phẩm của quá trình quang hóa. O3 gây tác hại đối với mắt và cơ quan hô hấp của con người.

Không khí chứa 50 ppm O3 trong vài giờ sẽ dẫn đến tràn dịch phổi nghĩa là sự tích lũy chất lỏng trong phổi. Ở nồng độ thấp O3 gây ra sự tích lũy chất lỏng trong phổi và phá hoại các mao quản của phổi. Những người trẻ tuổi rất nhạy cảm với tác động gây độc này. O3 là chất kích ứng tác động mạnh lên các niêm mạc, trong thực nghiệm người ta cho tiếp xúc với nồng độ 4-6 ppm làm chết 50% chuột cống và chuột nhắt.

Ở nồng độ thấp O3 cũng làm cho súc vật phòng thí nghiệm bị nhiễm trùng thứ cấp. Tiếp xúc liên tiếp với O3 gây ra các rối loạn hô hấp mãn tính ở xúc vật, già sớm, tăng tỉ lệ mắc u tuyến phổi. Kích ứng mũi và họng ở nồng độ từ 0,05 – 1ppml. Giảm thị lực, nhức đầu khó thở, ho, co thắt, gây rối loạn các chức năng ô nhiễm ở người khi tiếp xúc với các nồng độ từ 0,3 – 1 ppm O3. Giảm khả năng bão hòa oxihemolobin và tổn thương hình thái hồng cầu, rối loạn thần kinh dẫn tới rối loạn hỗn hợp và khó khăn diễn đạt khi tiếp xúc từ 1,5 – 2 ppm O3. Phù phổi khi tiếp xúc với các nồng độ cao từ 4 – 5ppm. Chết trong vài phút khi tiếp xúc ở nồng độ 50ppm.

Tiếp xúc lâu dài hoặc tiếp xúc liên tiếp với nồng độ khoảng 1ppm gây nhức đầu mệt mỏi, hô hấp khó khăn và rối loạn chức năng hô hấp, ảnh hưởng tới sức khỏe và gây cảm giác khó chịu cho con ngươì. Gây cảm giác mùi hăng, cay, khó chịu ở mũi. Gây kích thích rát và tổn thương ở mắt, cơ quan hô hấp. Peroxyacyl nitrate và aldehyde có trong khói quang hóa có khả năng gây đau rát và tổn thương cho mắt.

Phan Tom (Dịch và tổng hợp)

Nhận xét, đánh giá

5

star star star star star
1 đánh giá
5 sao (100%)
4 sao (0%)
3 sao (0%)
2 sao (0%)
1 sao (0%)

Sản phẩm liên quan

info