Làm gì khi ô tô gặp sự cố trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai?
Dịch vụ sửa xe, làm lốp với mức giá chặt chém trên cao tốc Nội Bài…
Dịch vụ sửa xe, làm lốp với mức giá chặt chém trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai khiến tài xế ô tô lo ngại khi gặp sự cố trên tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam.
Một số hiện tượng
Nhiều ngày qua, chúng tôi đã nhận được phản ánh từ các tài xế trên tuyến về tình trạng cò mồi sửa xe, vá lốp trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai với mức giá cao bất thường.
Số điện thoại cứu hộ khẩn cấp của Trung tâm điều hành đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai được cắm dọc tuyến cao tốc – Ảnh: Nguyễn TuấnChiều ngày 1.10, lấy lý do xe ô tô nổ lốp khi di chuyển qua Km 19 đường cao tốc thuộc địa phận huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) cần sửa chữa, PV Thanh Niên Online liên hệ với số điện thoại khẩn cấp cắm biển báo ở ven đường để được hỗ trợ.
Sau khi hỏi thông tin về địa điểm, nguyên nhân gặp sự cố, nhân viên tổng đài thông báo sẽ có người của đơn vị cứu hộ trên địa bàn gọi lại sau rồi cúp máy. Chưa đầy 1 phút sau có một số máy lạ gọi tới giới thiệu là người của trung tâm và báo giá.
Theo đó, lốp nhãn Michelin cỡ 175/65 R14 có giá 2 triệu đồng, chưa bao gồm thuế VAT, công thay 300.000 đồng, tổng cộng mất 3,2 triệu đồng/lốp. Vừa từ chối vì mức giá cao, người này đã mồi chài và đồng ý giảm xuống 3 triệu đồng với lý do “mất công vòng xe lên cao tốc”.
Khi chúng tôi nói đã có lốp sơ-cua, người này hét giá 200.000 đồng công thay nếu “đồng ý” thì sẽ tới ngay. Tiếp tục đổi số điện thoại liên hệ, chúng tôi đều bắt gặp tình trạng cò mồi “hét giá” sửa xe tương tự.
Cán bộ cứu hộ thường xuyên trực chốt tại trạm thu phí để giải quyết khi các phương tiện gặp sự cố cần hỗ trợ – Ảnh: Nguyễn TuấnTừng gặp sự cố khi di chuyển trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai, anh P.D – một tài xế ô tô vẫn chưa hết bức xúc cho biết: Vào ngày 30.9, đi qua Km21-190 cao tốc Nội Bài – Lào Cai bất ngờ gặp sự cố. Khi gọi điện thông báo tới đường dây nóng của Trung tâm vận hành đường cao tốc thì nhân viên nói có đơn vị sẽ liên hệ báo giá để sửa chữa.
Ngay sau đó có người gọi tới số điện thoại của anh D. báo giá sửa chữa nhưng anh D. đã từ chối vì mức giá quá cao. Một lúc sau, anh D. tiếp tục nhận được điện thoại của một số máy khác và báo giá với mức còn cao hơn đơn vị trước.
May mắn, anh D. đã tìm được chỗ sửa xe gần đó với mức giá chỉ bằng 1/5 mức giá mà đơn vị từ đường dây nóng cung cấp.
Đang kiểm tra và chẩn chỉnh
Chiều 2.10, PV Thanh Niên Online cung cấp một vài số điện thoại “thợ săn” liên lạc với xe gặp sự cố trên tuyến để thỏa thuận giá cả do tài xế phản ánh, ông Nguyễn Tường An, Giám đốc Trung tâm điều hành đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai khẳng định “những số điện thoại cung cấp không phải số của cán bộ ở trung tâm cứu hộ trên cao tốc”.
Ông An cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho lái xe cũng như nâng cao chất lượng phục vụ của đường cao tốc, Trung tâm sẽ phối hợp với chính quyền địa phương rà soát toàn bộ các dịch vụ cứu hộ lốp, kiểm soát giá cả đảm bảo công bằng hợp lý, niêm yết công khai trước khi thực hiện dịch vụ.
Trước mắt Trung tâm điều hành đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai khuyến cáo các phương tiện nếu gặp sự cố, nên tuân theo chỉ dẫn nhân viên tổng đài, nếu thấy có hiện tượng ép giá, đề nghị gọi lại tổng đài để xác minh xem có đúng lực lượng cứu hộ mà Trung tâm có hợp tác hay không? Trong trường hợp cần thiết có thể liên lạc trực tiếp với giám đốc trung tâm qua số máy: 0983.106.248.
Liên quan tới tình trạng kể trên, ông An thông tin, Trung tâm đã trình báo tới Công an huyện Bình Xuyên, Công an tỉnh Vĩnh Phúc để xác minh xem các số điện thoại mà phóng viên cung cấp có phải là “cò của đường dây nóng” hay không.
Ông An cho biết thêm, theo quy trình, xe gặp nạn sẽ gọi tới tổng đài đường dây nóng. Nhân viên trực tổng đài sẽ gọi điện cho các cơ sở cứu hộ mà trung tâm ký hợp đồng hợp tác. Về nguyên tắc, ở địa phận tỉnh nào sẽ hợp tác với đơn vị cứu hộ ở tỉnh đó trên nguyên tắc cự ly gần nhất.
Trường hợp khi có khách gọi điện tới đường dây nóng, nhân viên tổng đài cho số điện thoại chủ xe cần cứu hộ cho đơn vị ký đồng hợp tác để xác minh chính xác vị trí xe.
Tuy nhiên, Trung tâm không khuyến khích cứu hộ, sửa chữa, thay lốp trên đường cao tốc vì lý do an toàn mà dùng xe kéo chuyên dụng để đưa xe gặp sự cố ra khỏi đường cao tốc rồi mới sửa chữa.
” Có thể có 1 số xe bị hỏng lốp vẫn muốn tiếp tục hành trình, không muốn dùng xe cứu hộ đưa xe ra khỏi đường cao tốc, nên nhờ trung tâm gọi người đến làm lốp. Việc này là tự thỏa thuận, không theo quy định của trung tâm”, ông An lý giải.
Còn về mức phí sửa chữa, thay lốp trên cao tốc cao hơn bình thường, ” tôi tìm hiểu, thợ sửa xe giải thích là xe vào đường cao tốc phải mất phí, vì xe đi vào cao tốc cứu hộ tính phí như bình thường. Phí đó có thể tính vào giá làm lốp. Thứ hai, cự ly có đoạn phải chạy 100 km mới có chỗ quay đầu nên giá cao như thế”, ông An nói.
Nguyễn Tuấn