Nằm quạt, điều hòa nên tắm như thế nào đảm bảo sức khỏe
Chủ đề này rất là tranh cãi bởi kinh nghiệm của mọi người từ xưa…
Mục lục nội dung
- 1. NẰM QUẠT ĐIỀU HÒA
- Vậy thì để quạt như nào?
- TẮM TÁP
Chủ đề này rất là tranh cãi bởi kinh nghiệm của mọi người từ xưa đã là thế này mới đúng, rồi nghĩ thế kia mới đúng. Thế nên chắc chắn nói ra mọi người sẽ phản đối. Vì ai cũng có lý luận để thấy việc mình theo là đúng. Đây cũng chỉ là một lý luận mà thôi. Bạn thấy cái nào đúng thì bạn theo.
Tiên đề của vấn đề này là thuyết âm dương, thế nào là một trật tự cân bằng của cơ thể. Đó là mát ở trên, nóng ở dưới hay thủy ở trên, hỏa ở dưới. Nếu trạng thái mà không ở trong trật tự như vậy thì cơ thể có vấn đề. Vd ấm đầu, nghĩa là trên hỏa, trên nóng, ý ám chỉ là thằng chập mạch. Âm dương đảo lộn, ốm rồi. Cái từ ấm đầu bắt nguồn từ đấy. Làm gì thì làm, nói gì thì nói, ăn gì thì ăn, uống gì thì uống hãy giữ cho trật tự ấy luôn ở thế ấy – trên mát dưới ấm. Và cũng căn cứ vào đấy mà chế đồ ăn, chế thuốc.
Nếu bạn không đồng ý với tiên đề ấy thì chúng ta không cùng quan điểm, góc nhìn.
1. NẰM QUẠT ĐIỀU HÒANói về nằm quạt hay nằm điều hòa, mọi người đều có tâm lý và cả kinh nghiệm thực tiến là không cho thốc vào mũi vào mặt sợ là bị ho bị lạnh. Hầu hết là cho vào phần dưới, vào chân. Điều này không sai nhưng cũng không đúng. Đương nhiên là không để thốc vào mặt, cũng không để thốc vào lưng vào gáy. Bởi đó là cửa ngõ của phong hàn đi vào. Thậm chí chúng ta còn phải che phần sau gáy lại. Cũng không để thốc vào lưng vào ngực bởi đó là khu vực kinh huyệt ở phổi cũng không tốt gì. Thốc có nghĩa là thẳng luồng gió.
Cách tốt nhất là để luồng gió tán ra. Cá nhân tôi thường để đập vào tường rồi mới vào người chứ ko để xối thẳng vào người. Hoặc không có muỗi thì cũng buông màn để chắn gió. Mùa đông không có muỗi buông màn cũng thấy ấm và tĩnh hơn. Chúng ta xem phim cổ trang TQ cũng có thể thấy chỗ ngủ của họ được quây kín bằng vải. Theo cá nhân mình là để khí không động. Trong phong thủy người ta cũng kiêng nằm đầu gần lối đi vì khí động. Nhưng không phải phòng nào cũng rộng để mà tán gió hay không phải ai cũng thích nằm màn hay không phải ai cũng muốn gió thoảng mà phải mạnh. Và đôi khi cũng do văn hóa từng nơi. Vậy thì có một chỗ mà mọi người để xối thẳng vào là chân.
Có vẻ như đúng thật, chân mát thì cả người cũng mát. Chân mà lạnh thì cơ thể thấy lạnh khó chịu. Nhưng nếu chúng ta cứ thổi vào chân thì chúng ta đang thiết lập một trạng thái mất cân bằng âm dương là trên đầu thì nóng mà dưới chân thì lạnh. Có người thấy như thế là thoải mái. Tôi thì không đánh giá được mức tổn hại thế nào nhưng dựa theo âm dương như vậy là sai. Có thể gió không quá lạnh nên mức mất cân bằng không quá làm chúng ta có vấn đề. Hoặc vấn đề không thể hiện ngay lập tức.
Như đã nói, nên tán gió, để luồng gió thoảng, không xối trực tiếp hay mạnh vào người, tránh xa luồng gió quạt hay điều hòa. Sau đó tính đến hướng. Hướng từ trên đỉnh đầu xuống, không phải thẳng vào lưng vào gáy, không phải thẳng vào mồm vào miệng, cũng không phải thẳng dưới chân lên hay ngang vào chân. Nguy hiểm nhất là thẳng vào sau gáy.
Ở văn phòng mà ai ngồi gần điều hòa mà thẳng vào gáy thì nguy to. Nếu thế luôn phải che đậy phần gáy. Phần gáy là cửa ngõ của phong hàn vào cơ thể. Vậy mà ngày nay các chị em ai cũng muốn khoe vai, khoét ngực. Kết quả là hầu hết phụ nữ bị đau vai cổ gáy. Chân cần giữ ấm thì ai cũng muốn váy ngắn. Kết quả là dần dần dương khí suy. Bây giờ thấy giới trẻ vô cảm với lạnh. Chân lạnh toát mà vẫn thấy bình thường, vì lúc nào cũng thế và ai cũng vậy nên mọi người thấy bình thường. Ai ấm mới là khác thường. Cái này thì cũng chả nói được vì nhu cầu của cả xã hội.
TẮM TÁPCũng dựa trên nguyên lý này thì khi tắm, nghĩa là làm ướt người hay lạnh người bằng nước thì chúng ta phải làm thế nào để trên mát dưới ấm. Rất nhiều người tắm mà không gội, nhất là phụ nữ. Như thế hỏa sẽ bị dồn lên đầu. Khỏe thì không thấy gì, yếu chút là thấy đau đầu (mà không hiểu vì sao đau), yếu nữa có thể gây tai biến. Nguyên tắc của tắm, dù là nước ấm hay lạnh là phải làm ướt hay mát đầu trước. Như vậy, tắm thì nên gội đầu. Nói điều này thì khó mà mọi người chấp nhận, nhất là mùa đông. Nhiều người còn nói gội đầu còn gây ốm thêm. Đúng là việc gội đầu phức tạp mệt mỏi thật. Có một cách khác gọi là chữa cháy, bởi tôi đưa ra cách này là vì nhiều người chịu hại chứ thà không gội đầu. Hãy làm mát đầu bằng cách lấy tay rửa mặt rửa trán, làm ướt mang tai và cổ, làm ướt chân tóc ở trán, ở mai ở gáy, ướt được càng nhiều càng tốt, làm một lúc lâu lâu để cho nhiệt dồn xuống dưới. Có thể ngập một miếng nước lã rồi nhổ đi để miệng nhận biết được cái lạnh của nước mà chuẩn bị tinh thần, nhất là mùa đông. Có người nói là tắm gội nước nóng rồi. Có bớt hại hơn nhưng không phải là vô hại. Bởi phía trên ngoài nghĩa mát thì còn nghĩa thủy.
Trong kỹ thuật tắm nước lạnh mùa đông, trước tiên người ta phải ngậm vài miếng nước lã rồi nhổ ra, sau đó làm ướt mặt ướt tai ướt gáy, ướt đầu, ướt cánh tay, ướt bụng dưới, ướt chân. Rồi dội 1 tia nước dọc xương sống chảy xuống dưới, rồi mới dội ướt cả người. Làm ướt từng phần như vậy và từ trên xuống dưới mới không bị cảm.
Cũng theo lý luận âm dương bài trước, Hải Thượng Lãn Ông cô đọng trong Hoàng Đế Nội Kinh ra, nói lại để mọi người biết, khi mặt trời tắt, dương khí trong trời đất yếu đi, dương khí của người cũng rút vào trong, là lúc không nên tiếp xúc với giá lạnh, không nên tắm. Thế nên chúng ta có thể thấy, nằm điều hòa ban ngày không sao mà tối nằm có khi sáng mai dậy đau họng, ho. Là vì ban tối sức đề kháng kém, vệ khí yếu, tà khí dễ xâm nhập.
Sức khỏe và cuộc sống