Những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy nổ trong hộ gia đình
timtho.vn 01/09/2022 05:20

Những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy nổ trong hộ gia đình

Cháy nổ thường mang đến những tai nạn thảm khốc mà không ai trong chúng…

Mục lục nội dung

  • Dây điện trần
  • Tủ lạnh
  • Điều hòa, máy lạnh
  • Adaptor xạc điện thoại và các thiết bị
  • Điện thoại thông minh
  • Xe máy điện và xe máy
  • Bình nóng lạnh
  • Buồng vệ sinh
  • Bếp nấu ăn
  • Hướng dẫn sử dụng bình dập lửa

Cháy nổ thường mang đến những tai nạn thảm khốc mà không ai trong chúng ta mong muốn cho gia đình, người thân và bạn bè của chính mình.

Dưới đây là những ghi chép mà chúng tôi ghi nhận được qua một buổi đào tạo về an toàn phòng cháy tại tổ dân phố thuộc chương trình phổ biến kiến thức của Công an Thành phố sẽ giúp các bạn có cái nhìn phổ quát hơn trong việc phòng chống cháy nổ.

 Phòng chống cháy nổ Dây điện trần

Dây điện trần là phần dây điện nằm ngoài tường, phần dây nối vào các thiết bị sử dụng như tivi, tủ lạnh, quạt… qua quá trình tiếp xúc, sử dụng thường bị ôxi hóa hoặc tác động trực tiếp từ con người có thể dẫn đến tình trạng hở điện, quá tải sinh nhiệt làm ra hiện tượng chẩy lớp nhựa cách điện bên ngoài gây nên hiện tượng chập, cháy trong quá trình sử dụng.

Để đảm bảo an toàn, các bạn nên sử dụng các loại dây tốt, đúng phụ tải đồng thời nên kiểm tra thường xuyên để thay thế nếu có hiện tượng lão hóa, gập, hở.

Đặc biệt trong những ngày nồm ẩm, nơi có dây điện hở nên được đảm bảo khô, thoáng và cách điện đầy đủ.

Tủ lạnh

Tủ lạnh trong gia đình thường xuyên được cắm điện và hoạt động trong suốt cuộc đời của nó thường rất ít được chúng ta kiểm tra trừ khi nó bị trục trặc hoặc ngưng sử dụng để vệ sinh.

Phía sau tủ lạnh là nơi đặt máy nén có chứa môi chất làm lạnh (Gas R600). Qua quá trình sử dụng trong thời gian dài, khu vực phía sau lưng thường nóng, dây dẫn và đường ống có thể bị ô xi hóa, côn trùng, chuột có thể chui vào cắn là nguyên nhân của hiện tượng rò rỉ gas, hoặc chập cháy điện gây nên các hiện tượng hỏa hoạn.

Sau một thời gian sử dụng (khoảng từ 3-5 năm) tùy loại tủ và môi trường sử dụng, các bạn nên tự kiểm tra (nếu có khả năng) hoặc tìm thợ đến kiểm tra để đảm bảo rằng tủ của mình luôn trong ngưỡng an toàn.

Điều hòa, máy lạnh

Điều hòa là thiết bị sử dụng điện nhiều và có thời gian hoạt động nặng đặc biệt trong những ngày nóng. Chúng ta thường hay để ý vệ sinh cục lạnh chứ không mấy quan tâm đến cục nóng (là nơi sinh nhiệt lớn).

Cục nóng điều hòa, khi sử dụng dịch vụ bảo dưỡng điều hòa của thợ, nếu có thời gian bạn có thể yêu cầu thợ mở cục nóng ra để kiểm tra dây điện, linh kiện, bạn có thể thấy xác côn trùng, động vật làm tổ phía trong. Đây là một nguồn nguy hiểm có khả năng gây chập cháy, mất an toàn khi sử dụng, đặc biệt là cháy nổ vì nó có chứa môi chất làm lạnh được nén với áp suất cao.

Nhiều gia đình không để ý cũng không tắt attomat dành cho điều hòa khi không sử dụng, thiết bị vẫn có điện và trong môi trường không thuận lợi (ẩm, bụi, nhiều côn trùng) có thể dẫn đến mô ve, gây chập cháy.

Adaptor xạc điện thoại và các thiết bị

Hiện nay có rất nhiều thiết bị sử dụng adaptor để xạc điện hoặc hoạt động như điện thoại, các thiết bị modem, router wifi, đèn để bàn (led), quạt mini, máy massage… Chúng ta thường có thói quen về cắm thiết bị vào để sử dụng, xạc điện cho điện thoại, để qua đêm, ban ngày lại rút ra rồi để nguyên như thế đi làm.

Nếu để ý sờ vào các adaptor này, các bạn sẽ thấy nóng, nhiều adaptor không tốt thường có nhiệt độ rất cao (không có mạch ngắt). Khi bạn rút thiết bị ra thì nó vẫn nóng, chứng tỏ nó vẫn đang hoạt động làm tiêu hao điện năng đồng thời làm giảm tuổi thọ, gây lão hóa thiết bị làm chẩy các lớp cách điện gây nên hiện tượng chập cháy không mong muốn.

Các bạn nên rút các adaptor này ra nếu không sử dụng, tắt các ổ cắm điện khi không dùng đến để giảm thiểu điện năng tiêu thụ, tăng tuổi thọ thiết bị và tránh các nguy cơ cháy nổ.

Điện thoại thông minh

Điện thoại thông minh bây giờ phổ biến, nó làm thứ không thể thiếu được đối với giới trẻ tuy nhiên nó cũng là một trong những nguồn có thể gây nên cháy nổ cũng không nhỏ trong cuộc sống.

Chúng ta thường có thói quen xạc điện thoại qua đêm, cắm điện thoại vừa xạc vừa sử dụng, duyệt web, chơi game làm tăng tải nạp liên tục cho pin điện thoại (chúng ta thấy nó nóng lên rất nhiều khi làm như vậy). Và khi cục pin nóng lên, quá nguồn thì nó có thể phát nổ, gây cháy.

Pin điện thoại khi dùng quá cũ, ngoài việc không đáp ứng đủ lượng điện cho hoạt động, nó có thể phồng lên gây hỏng vỏ điện thoại, hở hơi axit ra, tệ hơn là có thể gây chập điện, phát nổ. Bạn cũng không nên tận dụng pin điện thoại quá cũ, mà nên thay thế pin mới, đảm bảo an toàn trong sử dụng.

Xe máy điện và xe máy

Đối với xe máy điện, chúng ta cũng thường hay có thói quen xạc điện qua đêm, đối với những xe không có mạch xạc bảo vệ để đóng ngắt quá trình xạc khi đầy, nó có thể gây phồng pin của xe làm thủng lớp vỏ bảo vệ xì hơi axit ra ngoài gây nổ hoặc cháy.

Khi sử dụng xe đạp, xe máy điện, đối với những xe giá rẻ, không có mạch bảo vệ cho từng bộ phận, nếu chúng ta cũng không kiểm tra, bảo trì thường xuyên, hệ thống điện có thể bị lão hóa, bị hở do tác động bên ngoài, gây chập cháy.

Các bạn nên xạc xe trong thời gian có kiểm soát theo khuyến cáo của nhà sản xuất (tốt nhất là ban ngày khi chúng ta còn thức) và ngưng xạc vào buổi đêm khi chúng ta đi ngủ.

Đối với xe máy, đặc biệt là xe ga (xe số tự động), chị em thường biến cái cốp xe thành một kho chứa di động để chứa rất nhiều thứ bên trong, từ laptop, điện thoại, chai nước, áo mưa, quần áo… Cái khi chứa này cũng thường rất nóng (vì nó gần với động cơ xe) dẫn đến làm nóng những vật dễ có khả năng cháy bên trong.

Theo như thông tin, hiện chưa có kết luận cuối cùng nhưng vụ cháy Chung cư Carina tại TP. Hồ Chí Minh thì qua camera, đám cháy bắt nguồn từ một chiếc xe Altila trong đó có chưa vỏ chai nước ngọt. Có thể nguyên nhân do nóng gây tích tụ khí gas từ chai nước trên gây hỏa hoạn.

Đối với xe máy cũ, khả năng rò rỉ xăng cũng là một nguyên nhân không nhỏ. Bạn nên bảo dưỡng xe thường xuyên để tránh các nguy cơ cháy nổ.

Bình nóng lạnh

Bình nóng lạnh, qua quá trình sử dụng (thường từ 3-5 năm) thanh đun trong bình sẽ bị đóng cặn canxi gây mất tiếp xúc nhiệt làm tăng thời gian đun nóng nước gây tốn điện.

Khi bình được đun khá lâu, nước không nóng thì cảm biến nhiệt độ không ngắt quá trình đun sẽ gân nên hiện tượng quá nóng ở khu vực tiếp nối giữa thanh nhiệt và dây điện nối vào gây chẩy lớp cách điện, từ đó mà sinh ra chập, cháy hoặc hở điện.

Các bạn cũng nên sử dụng dịch vụ bảo dưỡng bình nước nóng hoặc thay lõi đun nếu thấy thời gian làm nóng nước lâu hơn thông thường.

Tránh tuyệt đối không tắm khi bình vẫn còn cắm điện.

Buồng vệ sinh

Nhiều người rất ngạc nhiên rằng tại sao khu vệ lại có thể gây nên hiện tượng cháy, nổ? Thực ra nhiều khu vệ sinh không có thiết kế ống thông hơi thoát khí metal sinh ra từ dưới hầm chứa chất thải.

Những ngày mưa, nóng hoặc oi nồng, khí metal có thể sinh ra nhiều bốc ngược lên theo các đường ống thoát rồi ngưng lại trong khi vệ sinh. Khi chúng ta bật điện có thể sinh tia lửa điện từ công tắc, hoặc chúng ta bật diêm, đốt nến để soi chúng có thể bắt lửa gây nên cháy, nổ.

Hãy kiểm tra và lắp thêm các đường ống thoát khí phù hợp quy chuẩn cho bể phốt, hãy hút nếu nó quá đầy hoặc sử dụng quá lâu để tránh những nguy cơ này.

Bếp nấu ăn

Dĩ nhiên khu vực này là nơi có lửa, nhiệt hàng ngày, bạn cần sử dụng những thiết bị có độ an toàn cao, thiết kế bếp thông thoáng, giữ gìn sạch sẽ, vệ sinh bảo dưỡng chúng thường xuyên.

Không nên sử dụng đồ quá cũ hoặc có thời gian sử dụng lâu để đảm bảo an toàn trong sinh hoạt.

Hướng dẫn sử dụng bình dập lửa

Dưới đây là video hướng dẫn sử dụng bình khí để dập lửa khi hỏa hoạn xẩy ra. Các bạn nên có tối thiểu 1 bình này trong nhà để đề phòng khi sự cố xẩy ra và chúng tôi hy vọng rằng bạn sẽ không bao giờ có cơ hội sử dụng nó.

Nhận xét, đánh giá

5

star star star star star
1 đánh giá
5 sao (100%)
4 sao (0%)
3 sao (0%)
2 sao (0%)
1 sao (0%)

Sản phẩm liên quan

info