Tại sao điều hòa ‘ngốn’ điện khi đặt nhiệt độ dưới 26 độ C
Dưới mốc nhiệt độ này, máy nén của điều hòa phải hoạt động hết công…
Dưới mốc nhiệt độ này, máy nén của điều hòa phải hoạt động hết công suất để bù đắp lượng nhiệt chênh lệch giữa trong phòng và ngoài trời.
Nhiều người sử dụng điều hòa có thói quen đặt nhiệt độ thấp (khoảng 16 – 20°C) với mong muốn phòng mát nhanh hay cảm giác thoải mái trong những ngày hè nóng bức. Tuy nhiên, đây là cách làm sai và cực kỳ tốn điện.
Với máy lạnh thường, thiết bị sẽ hoạt động hết công suất để đạt được nhiệt độ mà người dùng cài đặt. Rơle của điều hòa sẽ tự ngắt hoạt động của dàn nóng khi đến mốc nhiệt độ này. Tuy nhiên, trong điều kiện nắng nóng, nhiệt độ phòng sau quá trình trao đổi nhiệt với môi trường xung quanh sẽ tăng lên rất nhanh và máy sẽ lại phải khởi động lại. Quá trình này lặp đi lặp lại liên tục sẽ giảm tuổi thọ của điều hòa do phải khởi động lại liên tục đồng thời tiêu tốn rất nhiều điện năng.
Với máy lạnh có Inverter, công suất máy sẽ được điều khiển giảm dần khi nhiệt độ phòng đạt mức độ vừa phải để làm mát bù vào lượng nhiệt tăng lên do các thiết bị trong phòng hay nhiệt bên ngoài truyền vào qua tường, cửa. Nhờ vào phương pháp này, các dòng điều hòa Inverter có thể giúp tiết kiệm nhiều điện năng hơn.
Tuy nhiên, nó chỉ đúng trong trường hợp nhiệt độ được cài đặt là tối ưu. Nhiệt độ môi trường mà cơ thể con người thích nghi trong khoảng 25 – 27°C. Do đó, chọn nhiệt độ 26°C là đảm bảo sự thoái mái trong sinh hoạt. Nếu đặt nhiệt độ ở mức thấp hơn, máy cũng sẽ phải hoạt động liên tục đến mức nhiệt cài đặt mới dừng lại. Trong quá trình này, thiết bị tiêu tốn điện năng nhiều hơn cả điều hòa thông thường, đặc biệt khi chỉ sử dụng trong thời gian ngắn. Và dù rất ” thông minh “, điều hòa Inverter cũng chỉ có thể giảm công suất hoạt động chứ không thể tăng vượt mức công suất giới hạn của thiết bị.
Cách vệ sinh điều hòa trong 15 phút
Ngoài ra, điều hòa (loại thường và cả Inverter) chỉ làm việc hiệu quả khi nhiệt độ quanh giàn nóng thấp hơn 48°C và nhiệt độ trong phòng lớn hơn 19°C. Vượt qua các giới hạn này sẽ khiến máy hoạt động không hiệu quả do khả năng thoát nhiệt lúc này rất thấp.
Trong điều kiện mùa hè ở Việt Nam, khi nhiệt độ ngoài trời cao, việc ” bắt ép ” điều hòa hoạt động hết công suất trong thời gian dài có thể khiến dàn nóng gặp phải hiện tượng quá tải, quá nhiệt và có thể gây cháy nổ, hỏng hóc. Không những vậy, thói quen này không chỉ tăng cao nguy cơ quá tải mạng lưới điện cục bộ ở một số khu vực đồng thời có thể khiến hóa đơn tiền điện của người dùng tăng đột biến.
Theo các chuyên gia và người dùng có kinh nghiệm, thay vì đặt mức nhiệt thấp, người dùng nên chú ý tới các biện pháp khác như sử dụng thêm quạt gió, đặt chậu nước trong phòng, hạn chế ánh nắng và các thiết bị phát nhiệt, điều chỉnh hướng gió, sắp xếp ít đồ đạc trong phòng… sẽ mang lại hiệu quả hoạt động tốt hơn cho điều hòa.
Mai Anh
Gọi thợ sửa điều hòa trên hệ thống ứng dụng timtho.vn.