Xử trí nhiễm độc do hít thở khí độc của các vật liệu cháy
Có những trường hợp nạn nhân tử vong hoặc nguy kịch vì bị nhiễm độc…
Có những trường hợp nạn nhân tử vong hoặc nguy kịch vì bị nhiễm độc do hít thở các loại khí được hình thành từ sản phẩm của vật liệu cháy.
Trong thời gian qua, các vụ cháy do nhiều nguyên nhân khác nhau đã xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có những trường hợp nạn nhân tử vong hoặc nguy kịch vì bị nhiễm độc do hít thở các loại khí được hình thành từ sản phẩm của vật liệu cháy.
Ngoài nhiễm độc khí oxide carbon (CO) thường được đề cập, nạn nhân còn bị nhiễm độc bởi các loại khí độc khác như: acrolein, hydrochloric acid, toluen diisocyanate, nitrogen dioxide, hydrogen cyanide… Trầm trọng nhất là nhiễm khí độc nitrogen cyanide.
Các loại khí độc từ sản phẩm của vật liệu cháy
Chất acrolein là một aldehyde, khi hít vào nhu mô phổi đường hô hấp sẽ gây biến chất protein, phù phổi, thương tổn mao mạch của các phế nang; làm co thắt những nhánh phế quản, tăng tiết dịch ở niêm mạc phế quản; gây rối loạn hô hấp dẫn đến tình trạng thiếu khí oxy ở trong máu. Ngoài ra, chất acrolein cũng gây viêm kết mạc mắt, làm hỏng mắt.
Khói sinh ra trong các vụ cháy gây nhiễm độcChất hydrochloride acid làm thoái biến chất protein đường thở, gây thương tổn hoại tử tế bào đường hô hấp; kích thích nhãn cầu của mắt và làm hư hại mắt. Người bệnh có dấu hiệu khó thở, đau tức ngực, phù phổi, rối loạn nhịp tim…
Chất toluen diisocyanate gây co thắt phế quản, kích thích nhãn cầu của mắt.
Chất nitrogen dioxide cũng làm co thắt phế quản, co thắt thanh quản, phù phổi.
Chất hydrogen cyanide là một loại chất độc được hình thành từ sản phẩm các vật liệu cháy thông thường của chất dẻo như polymethane, nylon… Khi nạn nhân hít thở khói khí có chứa hydrogen cyanide sẽ bị nhiễm độc nặng. Chúng gây liệt hô hấp ty lạp thể tế bào, khi kết hợp với chất sắt (Fe) sẽ gây tổn thương men cytochrome oxidase và quá trình phosphore hóa bị ngừng lại, dẫn đến hậu quả làm các mô tế bào của cơ thể thiếu khí oxy. Các triệu chứng nhiễm độc chất hydrogen cyanide làm cho nạn nhân bị nhức đầu, chóng mặt, có các cơn co giật. Trong giai đoạn đầu, do trung khu hô hấp bị kích thích nên nạn nhân thở nhanh và khó thở; qua giai đoạn sau đó muộn hơn nạn nhân sẽ thở chậm, thở thưa dần và ngừng thở. Huyết áp động mạch lúc đầu cũng tăng cao, tim đập nhanh; giai đoạn tiếp về sau thấy huyết áp động mạch hạ thấp dần và dẫn đến tình trạng trụy tim mạch. Xét nghiệm định lượng chất cyanide trong máu cần chú ý thực hiện đúng các kỹ thuật lấy và bảo quản bệnh phẩm, đồng thời phải gửi ngay đến các phòng xét nghiệm độc chất vì chất này sẽ tự biến đổi và tiêu hủy nhanh ở các mẫu máu xét nghiệm. Nếu nồng độ chất cyanide máu cao trên 50 pimol/lít thì ở lâm sàng nạn nhân có biểu hiện mất tri giác; nếu nồng độ cao trên 100 pimol/lít là dấu hiệu rất nặng và nguy kịch có thể dẫn đến tử vong. Trên thực tế, do việc xét nghiệm định lượng chất cyanide có khó khăn nên còn phải sử dụng thêm kỹ thuật phát hiện khí độc hydrogen cyanide bằng cách dùng ống nghiệm Drager đơn giản hơn và giúp phát hiện sớm tình trạng nhiễm độc chất cyanide. Thực hiện các xét nghiệm khác cũng có thể cho thấy phân áp khí oxy trong máu bình thường nhưng mức bảo hòa khí oxy máu động mạch giảm do chất cyanhemoglobin được hình thành trong máu; đồng thời mức bảo hòa khí oxy máu tĩnh mạch kết hợp tăng trên 75%.
Xử trí nhiễm độc do hít thở khí độc từ sản phẩm của vật liệu cháy
Khi đối diện với nạn nhân bị nhiễm độc do hít thở khí độc tử sản phẩm của vật liệu cháy trong các vụ hỏa hoạn, trước tiên cần phải điều trị những triệu chứng như: nhức đầu, chóng mặt, co giật bằng các loại thuốc an thần. Sau đó, dùng các loại thuốc giãn phế quản, kháng sinh, corticosteroide như những trường hợp nạn nhân bị bỏng đường hô hấp. Xử trí tình trạng khó thở bằng phương pháp hồi sức hô hấp như: cho thở khí oxy, hô hấp viện trợ; dự phòng và điều trị phù phổi do hít thở khí độc. Đồng thời dùng các thuốc trợ tim mạch, hồi sức tuần hoàn; cho thuốc lợi tiểu, bảo đảm chức năng bài tiết để đào thải các chất độc qua đường tiết niệu của thận. Ngoài ra phải xử trí trạng thái toan hóa bằng cách dùng loại dung dịch natribicarbonate, bảo đảm chức năng giải độc gan; dùng các thuốc lợi cho chuyển hóa tế bào, hô hấp tế bào. Một vấn đề cũng cần quan tâm là sử dụng thuốc giải độc, trung hòa chất độc tùy theo loại khí gây nhiễm độc.
Đối với các trường hợp bị nhiễm độc nặng và trầm trọng, dùng phương pháp trị liệu thanh lọc làm sạch máu liên tục trong 24 giờ hoặc trong vài ngày cho đến khi không còn có sự biểu hiện của chất độc lưu hành trong máu và cơ thể bằng các kỹ thuật thẩm phân lọc máu liên tục hoặc hấp phụ máu; thanh lọc huyết tương liên tục hoặc lọc máu liên tục.
Như đã nêu ở trên, khi bị nhiễm độc khí từ sản phẩm của vật liệu cháy có chứa hydrogen cyanide; tình trạng của nạn nhân rất nặng và trầm trọng. Ngoài phương pháp xử trí chung được thực hiện, việc điều trị đặc hiệu nhiễm độc do các chất cyanide như hydrogen cyanide, cyanogen chloride cần sử dụng thuốc dicobalt edalate 600mg tiêm tĩnh mạch để có tác dụng gắn kết với các ion cyanide và tái hoạt hóa men cytochrome oxidase; tiêm tĩnh mạch chậm thuốc sodium nitrite 300mg trong vòng 30 phút; tiêm tĩnh mạch chậm thuốc dimethylaminophenol 250mg. Cả hai loại thuốc sodium nitrite và dimethylaminophenol này có tác dụng gắn kết với methemoglobin để giải độc. Đồng thời có thể dùng thuốc sodium thiosulphate với liều 12,5g tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tình mạch; thuốc có tác dụng giải độc, chuyển các ion cyanide thành thiocyanate đào thải nhanh ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, thuốc hydroxocobalamine là chất kháng độc đặc hiệu có tên là cyanokit dùng truyền tĩnh mạch với liều 2,5g pha trong 100ml huyết thanh mặn đẳng trương và truyền trong vòng 15 phút. Đối với người lớn, cần truyền thêm một liều 2,5g cyanokit pha trong 100ml huyết thanh mặn đẳng trương để có tổng liều là 5g. Nếu căn cứ vào trọng lượng cơ thể thì tổng liều thuốc được tính là 70mg/kg thể trọng kể cả người lớn và trẻ em.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH